19 tháng 8, 2016

Thông tin về giải tennis mùa thu 2016


Chủ tịch hội Đỗ An Thái vừa ra thông báo: Mỗi bảng chỉ một đôi vào chung kết. Lý do: thanh toán nhau cho lẹ để còn đi ăn thịt nướng.
Bảng B toàn mấy đôi nhẹ ký (trong đó có đôi của chủ tịch), nếu chỉ lấy một đôi thì... chắc chủ tịch cầm chắc hy vọng. Bên bảng A đụng 10 trận, trầy vi tróc vảy, vô tới chung kết đã hết hơi.
Bởi vậy ban biên tập trang "Thông tin VTB" đề nghị: Cho dù chỉ có một đôi vào chung kết thì toàn bộ các cầu thủ bảng A đều xứng đáng nhận giải thưởng của năm nay.
Giải thưởng kỳ này là một sản phẩm độc đáo của công ty Nhật Bản có tên:  Kannawa Butaman Honten.
Hình giải thưởng ở đây. Cấm trẻ em dưới 60 tuổi. 

Phần thưởng trong giấy bóng kiếng, hình con sò:


Và khi anh Cường mở ra. Trời ơi, cái gì đây:

16 tháng 8, 2016

VTB 2016, giải truyền thống Mùa Thu


Giải VTB truyền thống mùa thu sẽ được tổ chức ngày CN, 21 tháng Tám 2016. Giải gồm hai bảng. Bảng A với 5 đôi vợt. Bảng B với 4 đôi vợt.
Thể thức thi đấu: tính điểm vòng. Nếu hai đôi cùng điểm, sẽ tính đối đầu (tức là, đôi thắng trực tiếp sẽ vào vòng trong).
Giải sẽ chính thức bắt đầu vào lúc 9 giờ 30. Bạn nào đến trễ yêu cầu gọi điện thoại thông báo. Sau 10 giờ, nếu không xuất hiện mà cũng không liên lạc, BTC sẽ loại đôi của bạn ra khỏi lịch thi đấu và tước luôn quyền ăn nhậu sau đó.
Thể theo yêu cầu của hai cầu thủ Minh và Kiệt, BTC ưu tiên sắp xếp cho đôi này (4B) bắt đầu lúc 10 giờ 10. Anh Minh, anh Kiệt chú ý: Trận đấu đầu tiên của hai anh nằm ở bảng B, vòng 2, trên sân số 5, đụng đôi 3B Khánh - Tuấn. Yêu cầu hai anh không đến trễ hơn giờ quy định.
Ở bảng A, BTC cũng đặc cách xếp cho anh Huy và anh Cường bắt đầu lúc 10 giờ 10. Vì một trong hai anh này thường xuyên đi trễ và đã chai lì với mọi hình phạt.
Thời gian thi đấu dự kiến cho mỗi trận là khoảng 40 phút. Khoảng thời gian này chỉ có giá trị tương đối nhằm phục vụ cho việc xếp sân, trận đấu kế tiếp có thể bắt đầu sớm hay muộn hơn, BTC yêu cầu các cầu thủ tự theo dõi và sẵn sàng chờ đến lượt mình.
Ở bảng B, mỗi đôi sẽ đấu 3 trận.
Ở bảng A, mỗi đôi sẽ phải đấu 4 trận.
Đề nghị các bạn kiểm tra lại lịch thi đấu để phản ánh với BTC, nếu thấy sai sót.

28 tháng 12, 2015

Luật No-Ad (no advantage)

Giải tennis mùa Noel năm nay ở Berlin có sự đổi mới đầy bất ngờ. Bỗng nhiên luật No-Ad (Quả Bóng Vàng) được đưa vào áp dụng cho giải, dù rằng ban tổ chức và các trọng tài cũng không nắm rõ luật như thế nào. Trước đòi hỏi thực hiện chính xác luật thi đấu của một số cầu thủ và khán giả, trọng tài và BTC trả lời rất hành chánh: "Chúng tôi quy định như thế thì cứ như thế mà làm." Chúng ta áp dụng luật quốc tế, hay là chúng ta tự bịa luật ra mà chơi, đó là câu hỏi dành cho tương lai.
VTB xin được phép trao đổi một số thông tin về luật No Ad hay còn gọi là Deciding-Poit:

No-Ad (no advantage) có nghĩa là không có lợi thế (lợi giao hay lợi ngoài), được áp dụng trong các trận đấu đôi từ vài năm nay trong các giải ATP và WTA. Ở tỉ số 40-40, hai bên sẽ chỉ chơi một điểm quyết định thắng bại (không tính thêm lợi giao hay lợi ngoài). Khi đấy, "bên trả bóng" sẽ có quyền lựa chọn phần sân (trái hay phải) để tiếp nhận cú giao bóng, tuy nhiên hai cầu thủ "bên trả bóng" không được phép chuyển đổi vị trí cho nhau. Nghĩa là, họ chỉ có quyền chỉ định cho đối phương phải giao bóng vào phần sân bên trái hay phải. Đôi nào thắng điểm quyết định này thì sẽ thắng game chơi.
Ở giải Mixed, khi giao quả bóng quyết định, cầu thủ trả bóng phải có cùng giới tính với cầu thủ giao bóng. Nghĩa là, nếu cầu thủ nam giao bóng thì người trả bóng cũng phải là cầu thủ nam, và ngược lại, nữ sẽ giao bóng cho nữ. Tuy nhiên, cũng như trong luật đôi, hai cầu thủ bên trả bóng không được phép đổi vị trí cho nhau.

6 tháng 10, 2015

Bảng thi đấu ngày 11.19.2015

Bảng thi đấu vào ngày 11.10.2015 có sự thay đổi nhỏ, do một số cầu thủ không thể tham gia. VTB Blog đăng lại thông báo chính thức của ban tổ chức:

Giải đôi A

Bảng 1
1. Dương  +  Tuấn
2. Uyên  +  Đăng
3. Lâm  +  Tâm

Bảng 2
1. Kiệt  +  Huấn
2. Hải  +  Cường
3. Huy  +  Thịnh

Giải đôi B

1. Bình  +  Thiện
2. Khánh  +  Yên
3. Thái  +  Minh

Đại gia Doanh bận về Leipzig thi múa gậy. Trung sĩ Phương đi giải phẫu thẩm mỹ (cắt mắt ba mí). Các chiến sĩ còn lại nhớ có mặt đúng giờ: 9 giờ khởi động, 10 giờ chính thức thi đấu. Buổi trưa liên hoan trao giải cùng gia đình tại nhà hàng của Jörg Blache.

27 tháng 9, 2015

Nhạc chế "tặng vợ"


Phải nghe cả 3 bài mới hiểu hết nỗi thống khổ:
Ai đã là đàn bà
Cũng từng ước mình là đàn ông
Nhưng ai đã là đàn ông
Không bao giờ muốn mình là đàn bà


Lời bài hát

Có từ bao giờ
Từ Nam ra Bắc
Người ta vẫn nhắc
Suốt đêm chồng con
Căn phòng tân hôn đến nay bao tuổi
Em qua trăm buổi
Em lại nghìn lần
Mà sao vẫn... (!) khi nằm bên anh.

Nhạc chế của Tam Ca Thuốc Lào


Những bài hát của người Việt làm thuê xứ Đài Loan. Thật buồn:


24 tháng 9, 2015

Mùa mưa trên thành phố Hồ Chí Minh


Mời xem ba video ca nhạc "Mùa mưa trên thành phố Hồ Chí Minh" và "Sài Gòn ngập lắm Sài Gòn ơi". Cười bể bụng:






18 tháng 9, 2015

Chuyện tình Lê Uyên - Phương


Thương em khi yêu lần đầu
Thương em lo âu tình sau
Dù gương xưa không được lau
Soi lấy bóng mối duyên sầu
Cho tôi yêu em nồng nàn
Cho tôi yêu em nồng nàn
Dù biết yêu tình yêu muộn màng.

*** 

Lê Uyên & Phương được xem là một cặp đôi huyền thoại của nhạc Việt. Họ xuất hiện trong làng nhạc Sài Gòn những năm đầu thập kỷ 1970 với một luồng gió mới: những ca khúc mang hơi hướng nổi loạn, triết lý nhưng đầy khắc khoải.
Ngoài âm nhạc, Lê Uyên & Phương còn được biết đến với một cuộc tình đẹp, thủy chung và bền bỉ. Chính tình yêu ấy đã khiến họ thăng hoa trong nghệ thuật.
Từng có thời điểm, tin đồn hôn nhân của họ tan vỡ mà người thứ 3 không ai khác là em gái ruột của Lê Uyên.
Sau gần 2 thập kỷ im lặng, lần đầu tiên Lê Uyên thẳng thắn đối diện với sự việc này, cùng câu chuyện về người đàn ông kế tiếp của cuộc đời cô, âm thầm đứng sau cái bóng quá khứ quá lớn của vợ…

13 tháng 9, 2015

VTB kỷ niệm trọng thể 15 năm thành lập hội


Trong không khí từng bừng và tràn đầy hạnh phúc, toàn thể hội viên cùng ban lãnh đạo VTB tích cực chuẩn bị chào đón ngày lễ lớn của cả Hội. Đánh dấu chặng đường đầy gian khổ hy sinh, chiến thắng cũng như chiến bại mọi đối thủ, xây dựng thành công và thành ma sự nghiệp thể thao, bộ Tài Chánh trung ương VTB quyết định nướng trọn số tiền quỹ nhân dân dành dụm từ 15 năm nay vào 3 mục tiêu lớn của hội:
1. Củng cố tinh thần chiến đấu: khai mạc giải đôi Mùa Thu 2015 cùng phần thưởng hoành tráng
2. Hưởng ứng chủ trương toàn dân no ấm: liên hoan ngỗng quay và thịt heo nướng của đầu bếp Jörg Blache.
3. Xây dựng gia đình văn hoá, khu phố văn hoá: thi hát karaoke cùng danh ca Hoài Ngọc và múa bụng cùng đại vũ sư Quang Thịnh.

20 tháng 8, 2015

CLB Văn nghệ giới thiệu: Cá voi trầm sát - Bi kịch mang gương mặt đàn bà

Ngô thị Kim Cúc

Chín khúc, chín câu chuyện, chín truyện ngắn, đan cài thành một tiểu thuyết, một giao hưởng cuộc đời, một lịch sử dòng họ, mà dường như phần nào trùng khớp với lịch sử dân tộc. Có rất nhiều thương yêu gắn kết nhưng cũng nhiều đối kháng-chia rẽ, phân rã-ly cách, trốn chạy-luân lạc, cô đơn đến tận cùng. 



Tất cả nhân vật đều xưng tôi. Ngôi thứ nhất: cái nhìn từ chính đôi mắt, những bộc lộ từ chính bản ngã, lời xưng tội với chính số mệnh mình. Không ai chính xác hơn tôi về tất cả những gì liên quan đến mình.

19 tháng 8, 2015

CLB Văn nghệ giới thiệu: Nỗi chết và tình yêu

Hàn Thuỷ : Đọc "Cá Voi Trầm Sát" của Mai Ninh



Trong Thay lời giới thiệu in trang đầu tiểu thuyết Cá Voi Trầm Sát (CVTS) của Mai Ninh, nhà văn Nguyên Ngọc đã viết : ... « cuốn tiểu thuyết được cấu trúc theo một thế xoáy trôn ốc, càng về sau vòng xoáy càng cao lên mãi, ráo riết hơn, nhanh hơn, dữ hơn, đau đớn hơn" » ...

Tại sao có cơn lốc xoáy ? phải có hai sức hút không đồng trục mới tạo nên gió xoáy. Không phải như sống và chết, là hai hướng đối nghịch đồng trục, và nếu chỉ có thế chưa thể tạo dựng được cõi người. Cõi người cần tình yêu, ở chiều thẳng góc với chiều sống chết, nó có thể đem lại mầm sống, sinh con đẻ cái, dĩ nhiên ; và nó cũng có thể như cơn lốc xoáy vừa muốn thoát ra theo chiều ly tâm, vừa bị cuốn hút vào miền huỷ diệt.

18 tháng 8, 2015

CLB Văn nghệ giới thiệu: Nỗi cô vọng của Mai Ninh

Tác giả: Thuỵ Khuê
http://thuykhue.free.fr/stt/m/MAININH.html


 Truyện ngắn Ẩm Ướt Những Cơn Mưa, theo lời tác giả  là truyện ngắn khai bút của Mai Ninh(1), đã xác định một phong cách viết: hướng về những niềm đau sâu khuất của con người. Từ truyện ngắn này, chớm nở những mảnh puzzle Mai Ninh, những mẩu cô đơn mọc lên trong trời đất: đó là những phận người, cùng yêu, cùng sống, nhưng không thể "đột nhập" vào địa phận của nhau, vào bề dầy tâm thức của nhau; như chàng tóc dài và chàng họa sĩ, một cặp tình trai mở quán ăn có cái tên rất lạ "Vali tham ăn"; như Lise và cô bạn, một cặp tình gái; như M., người xưng tôi trong truyện, đan đậm những cô đơn và bí mật gần gụi vóc dáng tác giả.
 Mai Ninh dường như muốn khai mở phần đất cô đơn trong hồn mình, hồn người, như một vùng bí mật, thẳm sâu, đầy chông gai trở trắc, đầy huyết mạch thông lưu, nhưng đồng thời cũng lại muốn rắc lên nó một lớp sương mù, muốn vọng về nó như một tuyệt vọng.
 Tất cả những nhân vật này gặp nhau, thử yêu thương, thử tìm hiểu, thử tình bạn, thử tình yêu, nhưng rồi tất cả đều chỉ là sống "thử". Những khối cô đơn ấy không thể tan nhập vào nhau, dù họ có thay đổi cách kết hợp cuộc sống, từ đồng tính trở sang lưỡng tính, để làm vừa lòng một xã hội lắm điều, hay để làm vừa ý cái "lương tâm xã hội" của mình.
 Những cá nhân "mất hướng", "lệch trục sống" ấy, dù có muốn tìm một hướng mới, "chính trục" hơn, cũng là ảo vọng, họ chỉ tìm được những kết hợp tạm thời, chờ lần chia tay sắp tới. Từ Mai Ninh, người đọc tiếp nhận những nỗi đau sống hợp âm trong một tấu khúc đớn đau, rồi tất cả lịm dần, chìm đi, tắt ngấm như những nỗi chết của tâm hồn. Nỗi đau riêng của những mối tình trai, tình gái đã thăng hoa thành nỗi đau chung của tình người.

6 tháng 7, 2015

Dustin Brown gây bất ngờ trên sân cỏ Wimbledon

Một câu chuyện "không tưởng" trong giới quần vợt chuyên nghiệp. Thông tin về Dustin Brown trên mạng khá ít ỏi, bởi, cho đến ngày 02.07.15 anh vẫn gần như là một kẻ vô danh.
VTB giới thiệu video trận đánh ngoạn mục của Brown - Nadal và một bài viết hay của VnExpress



Dustin Brown: 'Kẻ bụi đời' biến Wimbledon 2015 thành ác mộng với Nadal


Brown từng sống trên xe tải, rong ruổi khắp châu Âu để theo đuổi niềm đam mê quần vợt. Anh vừa gây sốc khi loại Rafael Nadal ở vòng giải Grand Slam sân cỏ.




Brown có bố là người Jamaica, mẹ là người Đức. Tay vợt này sinh ra ở Celle, Tây Đức. Thời thơ ấu, Brown tập chơi bóng đá, judo và bóng ném trước khi chuyển sang quần vợt năm tám tuổi. Năm 12 tuổi, gia đình Brown tới Jamaica định cư trước khi trở lại châu Âu vào năm 2004. Trong năm này, bố mẹ Brown tặng anh một chiếc xe tải để anh tự lái tham gia các giải quần vợt khắp châu Âu. Cuộc sống đây đó dần hình thành phong cách "bụi" của anh.
 

Serena loại chị gái Venus - Sharapova tiến vào tứ kết


Tại sân Trung tâm, Serena Williams mất một giờ, tám phút để đánh bại chị gái Venus với các tỷ số 6-4, 6-3. Đây là chiến thắng thứ 15 của Serena trong 26 lần đọ sức nội bộ nhà Williams.
Trong lần đối đầu gần nhất, trên mặt sân cứng Montreal cách đây một năm, Venus là người thắng cuộc. Nhưng hôm 6/7 ở All England Club, hạt giống số 16 rất vất vả để giữ những game cầm giao bóng trước những pha trả giao hiểm hóc của Serena. 

Serena (trái) hướng đến danh hiệu Grand Slam thứ ba trong năm. Ảnh: AFP.


"Tôi 33 còn chị ấy đã 35 tuổi. Những khoảnh khắc như thế này không biết còn được bao nhiêu lần nữa", Serena chia sẻ sau trận. "Thật không dễ dàng khi đối đầu với những người bạn yêu thương".
Serena khởi đầu rất tốt, giành tám điểm liên tiếp để tạo lợi thế dẫn trước 2-0. Venus cho thấy cô không dễ dàng chịu thua cuộc khi cân bằng tỷ số 2-2 trong set một. Đến set hai, hạt giống số 16 cũng vươn lên dẫn 3-2. Tuy nhiên, tay vợt số một thế giới vẫn ở đẳng cấp cao hơn, ổn định hơn. Serena kiểm soát tốt, lấn lướt ở những thông số về giao bóng, trả giao lẫn ghi điểm. Serena chỉ mất năm điểm trong những pha cầm giao bóng trong set hai.



Nụ cười VTB: Câu chuyện giáo dục (không dành cho trẻ em dưới 16 tuổi)

Các em dưới 16 tuổi chớ có bấm vào đây.
Các bác dưới 61 tuổi xem xong cũng xin đừng phê phán: "Thông tin VTB" gì mà nhảm nhí kinh khủng.

17 tháng 5, 2015

Thơ Hoàng Hưng



Thơ của Hưng làm tôi nhớ đến những tiểu thuyết hư cấu mang tính hiện sinh. Chúng xảy ra trong một thời gian rất rõ nhưng cũng có một tính cách phi thời gian. Nhiều năm tháng được nén lại trong một bài thơ trữ tình ngắn nói về mất mát và đau khổ. Con người đau khổ có thân xác và kinh nghiệm cụ thể, nhưng theo một nghĩa khác, cũng là một gương mặt tiêu biểu. Tôi nghĩ đến cuốn tiểu thuyết Người đàn bà trong cồn cát của tác giả Nhật Bản Kobo Abe. Một ngày nọ có một người đàn ông trượt chân thụt xuống một vực cát trong khi đang bước đi giữa sương mù ở một nơi xa xôi. Thế rồi ông ta trở thành chồng của một trong số nhiều người đàn bà của cồn cát mà nghề nghiệp là xúc cát suốt đời. Thực vậy, ông ta đã tìm ra số phận của chính mình, không lay chuyển được, không thể nào thoát khỏi (và cuối cùng thì có lẽ ông không muốn thoát khỏi)…
Tôi không biết có bài thơ nào khác để so sánh với thơ Hưng. Bên dưới cái bề mặt bình thản, kể chuyện, thơ Hưng rất phức tạp và xúc động. Có lẽ trong đời thực, Hưng đã cảm thấy bị lưu đày giữa ngay xứ sở của mình và bị dời khỏi những hoàn cảnh sống và làm việc của chính mình.
(Trích thư của Paul Hoover, nhà thơ Mỹ, Chủ biên Tạp chí New American Writing, gửi Tom Nawrocki, GS Khoa Ngữ văn Trường Columbia College Chicago, tháng 1.2003)




Vào


Cánh cửa sắt đen kịt
Đóng sầm sau lưng tôi
Bỗng ào ào náo loạn
Như một bể dầu sôi.
Những cái đầu trọc lốc
Vươn theo từng bước đi
Những bộ xương đen đúa
Bốc lên mùi tử thi.
A! Địa ngục là đây
Ta bắt đầu kiếp quỉ
Sao dễ dàng quá nhỉ
Chỉ một bước một giây
Bước qua cánh cửa này
Kiếp người đã xa lắc.

Giật mình nghe tiếng quát:

- Cởi hết áo quần ra!

17/8/1982 

       *


Những đôi mắt âm thầm
Rõi qua khe cửa
Bao giờ rụng chiếc lá bàng cuối cùng?

Sẽ rụng đêm nay
Khi gió bấc nổi
Không. Nó sẽ còn đeo đẳng mãi trên cây
Dai như kiếp sống đoạ đầy

Trong giấc ngủ màu máu
Chiếc lá bàng mênh mông
Thức dậy không còn lá
Bầu trời tím thâm

Bỗng rùng mình kiệt quệ
Như vừa ra đi giọt máu cuối cùng 

       *

Người về


Người về từ cõi ấy
Vợ khóc một đêm con lạ một ngày

Người về từ cõi ấy
Bước vào cửa người quen tái mặt

Người về từ cõi ấy
Giữa phố đông nhồn nhột sau gáy

Một năm sau còn nghẹn giữa cuộc vui
Hai năm còn mộng toát mồ hôi
Ba năm còn nhớ một con thạch thùng
Mười năm còn quen ngồi một mình trong tối

Một hôm có kẻ nhìn trân trối
Một đêm có tiếng bâng quơ hỏi

Giật mình  
              một cái vỗ vai

       * 

Tất cả nước mắt loài người bao vây nhà ta
Nằm bên anh em kể câu chuyện buồn
Chôn sâu trong lòng giờ mới nói ra
Gợi ý của trận mưa chưa từng thấy

Đã một nghìn đêm mưa trắng đêm
Điên cuồng nhớ mùi anh như con bò cái nhớ mùi phân rác
Anh đánh mất mùi anh trên những sàn đá lạ
Chỉ còn mưa mùi nước mắt đêm

Em còn yêu anh không yêu đến đâu giận ghét đến đâu
Mười lăm năm lòng mình chưa hiểu hết

Mưa mưa ngập tầng trệt
Đưa nhau lên gác xép nằm nghe mưa sập mái tôn

Ước nằm nghe mưa rồi chết

Đêm 25/6/1992

(http://www.talachu.org/tho.php?bai=3)
VTB trân trọng cảm ơn nhà thơ Hoàng Hưng.

12 tháng 5, 2015

Đội tuyển nữ Berlin trong trận gặp đội nữ Dresden


Màu áo hồng rực rỡ, cùng hai tay vợt nữ chuyên nghiệp người Tiệp (bên trái) và người Serbia (bên phải)
Căng thẳng bước vào trận đấu đơn

Cùng huấn luyện viên sắp xếp đội hình đôi



Niềm vui thắng trận