Ngô thị Kim Cúc
Chín khúc, chín câu chuyện, chín truyện ngắn, đan cài thành một tiểu thuyết, một giao hưởng cuộc đời, một lịch sử dòng họ, mà dường như phần nào trùng khớp với lịch sử dân tộc. Có rất nhiều thương yêu gắn kết nhưng cũng nhiều đối kháng-chia rẽ, phân rã-ly cách, trốn chạy-luân lạc, cô đơn đến tận cùng.
Tất cả nhân vật đều xưng tôi. Ngôi thứ nhất: cái nhìn từ chính đôi mắt, những bộc lộ từ chính bản ngã, lời xưng tội với chính số mệnh mình. Không ai chính xác hơn tôi về tất cả những gì liên quan đến mình.
Và bao giờ những người đàn bà cũng nhận chịu nhiều nhất. Ba thế hệ đàn bà. Đẹp và đầy nữ tính, tràn trề năng lượng sống, họ bị trừng phạt vì chính những chọn lựa của mình. Công nương Trung Hoa gót sen ba tấc, mồ côi cha mẹ, mười ba tuổi từ kinh đô về Phúc Kiến ở nhờ nhà bác, mười sáu tuổi yêu anh trai con bác, bị đem gả cho một viên chức An Nam, theo chồng về Hà Nội, là vợ quan tuần nhưng bị đối xử như con sen trong gia đình quan án sát cha chồng. Ba con trai chết trẻ, ba con gái nối tiếp cuộc đời đa truân của mẹ. Người thứ nhất sống cho trách nhiệm gia đình, đơn độc tới cuối đời, bởi đã bí mật bán rẻ đời con gái cho lính Nhật ngoài đường khu chứa gái, sau khi bị cướp mất số tiền bán áo nuôi gia đình đói khổ chạy trốn ông bà nội. Người thứ hai yêu đơn phương anh ruột của mình, thất vọng vì anh đi cưới vợ; sau ngày anh chết, lấy chồng nhưng không sinh nở được, ám ảnh mãi mối tình không được phép, không bao giờ có được với chồng cảm giác từng có với anh trai. Người thứ ba, dữ dằn, không khoan nhượng với cả cuộc đời lẫn người thân, nhưng lại chọn cuộc sống yên ấm, lại bị một đòn khác: con trai duy nhất chết bất đắc kỳ tử vì bị xe đâm, sau khi lá thư viết cho cô em con cậu bị cha phát giác.
Đứa con gái là nguyên nhân cái chết ấy, bị buộc trở thành hy vọng của gia đình lớn, đã phải đi du học xa, bỏ lại mối tình học trò với người yêu chiến trận. Đứa con gái thế hệ thứ ba lặp lại bi kịch: trên đất Pháp, Miên đã gặp, đã yêu và sống hết mình với một người cho tới khi khám phá đó chính là người chú thúc bá.
Không quá kỹ thuật, tác giả Mai Ninh hầu như chỉ kể lại những ký ức đòi đoạn, về cuộc đời bị nguyền của những người đàn bà trong gia đình. Vì sao bi kịch cứ tìm đến họ? Miên đã cố tìm cách lý giải: "...Nếu tình yêu đã đến mức độ này, có phải chăng chính vì nó phát sinh từ một hòa trộn mật thiết, tận cùng, một hòa trộn từ máu thịt ?". Không ai trả lời được. Miên đã xâu chuỗi các sự việc, đã quay phim và chiếu lại những gương mặt người thân, như là cách để giải thoát chính mình.
Tên các chương sách đã bộc lộ điều tác giả nhắm tới: Ngày ngâu đổ, Ngược dòng, Cỏ ám, Nến trong kẽ liếp, Sao rơi về đất... Chương Cỏ ám, với nhân vật Phượng, có lẽ là chương đớn đau nhất của người đàn bà với tình yêu không được phép. Phượng đã không đổi thay gì được đời mình sau khi lấy chồng, kể cả sau khi anh trai đã chết. Chị phải vin vào một lời nguyền bởi không biết phải tránh trớ ra sao: "Định mệnh cuối cùng đã hoàn tất lời nguyền hay lời nguyền dẫn dắt định mệnh?". Nhưng Phượng vẫn không đi xa nổi con đường tàu mà từ đó anh trai đã ra đi, cho dù tất cả đã vuột qua, kể cả đời người: "Cứ nhắm mắt, con tàu lại rúc từng hồi còi dài và tôi thấy mình đứng cạnh đường rầy, hai bên bờ giờ trắng bạc cỏ lau".
Âm hưởng của tiểu thuyết là cái gì đó rất đau, một nỗi đau xưa cũ, lẩn khuất trong những con người của một thời chưa qua: cái đẹp bạc mệnh, lung linh giúp cho tâm linh con người không biến mất. "Nó không kiếm ra cách nào khác hơn là dùng chính thân xác mình để đương đầu với cái chết và mất mát tận cùng. Ngớp lên những tiếng thở, hét ra những tiếng kêu, oằn lên những vùng thịt, tống ra máu me sâu thẳm, tất cả phải chăng là để thay tiếng khóc đã không thể bật ra trước quan tài?". Hành động của đứa con gái thế hệ thứ tư trước cái chết của mẹ nuôi hình như khiến Miên rút ra được điều gì đó cho chính mình: "Phải chăng sau khi chạm đến đáy sâu của cô đơn và thất lạc, con người mới có khả năng trồi lên, hòa nhập lại cuộc đời, cho dù không còn là chính mình ngày trước?”.
Điều đáng nói sau cùng về tập sách: đây là tiểu thuyết đầu tay của một nữ tiến sĩ vật lý đang làm việc tại Pháp, sau tập truyện ngắn (Ảo đăng) cũng in ở Việt Nam vào năm trước.
Ngô Thị Kim Cúc
thanhnien/TinTuc/VanHoa/VanHoc/2004/7/26
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét