***
BÀI CHUYÊN ĐỀ QUẦN VỢT III XỬ TRÍ CÁC CHẤN THƯƠNG THÔNG THƯỜNG TRONG TENNIS VÀ CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA CHẤN THƯƠNG
Thứ Tư, 3 Tháng Tám 2011, 04:52
BS. PHAN VƯƠNG HUY ĐỔNG
Như đã trình bày trong tạp chí số 1 & 2, chấn thương trong tennis
rất đa dạng, nhưng hầu hết là chấn thương phần mềm: dây chằng – gân –
cơ; một số ít là chấn thương xương và khớp.
Các chấn thương phần mềm có thể ở dạng cấp tính: giãn – rách – đứt, hoặc mãn tính như viêm thoái hóa gân – cơ – dây chằng
Việc xử trí ban đầu là quan trọng và rất cần thiết để giảm triệu chứng,
giúp tổn thương ổn định, góp phần làm tổn thương lành tốt. Bạn có thể
làm trước khi cần có sự can thiệp chuyên sâu của các bác sĩ Y Học Thể
Thao trong trường hợp nặng.
CÁC BƯỚC:
R (Rest) – Nghỉ ngơi: nghỉ chơi ngay lập tức sau chấn thương, có thể giữ bất động vùng bị thương bằng nẹp cố định trong 24 – 72 giờ đầu.
I (Ice) – Chườm lạnh: giúp giảm chảy máu bên trong, giảm sưng, giảm viêm cấp tính.
Cách làm: túi chườm lạnh hoặc đá đập nhuyễn bỏ vào bao Nylon rồi
bọc một khăn ướt bên ngoài (không nên chườm đá lạnh trực tiếp lên da
có thể làm phỏng lạnh). Có thể dùng túi chườm lạnh có sẵn.
Thời gian: chườm tại chỗ 10 – 15 phút, nghỉ 30 – 45 phút, lặp
lại nhiều lần trong ngày, không nên chườm một lần quá lâu có thể gây
phỏng lạnh. Chườm lạnh có thể thực hiện trong 24 – 72 giờ đầu sau khi
chấn thương.
C (Compression) – Băng ép: băng ép với mục đích làm giảm chảy máu, giảm sưng, có thể làm cùng lúc với chườm lạnh hoặc không có chườm lạnh.
Cách làm: sử dụng băng thun quấn dưới vùng bị tổn thương khoảng 5 – 10 cm quấn lên trên vùng tổn thương.
Chú ý: Những vòng đầu quấn hơi chặt sau đó lỏng dần. Không nên quấn quá chặt có thể chèn ép mạch máu thần kinh.
E (Elevation) – Kê cao: kê cao chi
chấn thương giúp máu trở về tim tốt hơn, làm giảm sưng và viêm nhất là
đối với chi dưới, có thể nằm kê cao chân 10 – 15 cm trong 24 – 72 giờ
đầu.
Chú ý: Trong 48 giờ đầu không được chườm nóng, xoa bóp, kéo nắn
chi hay vùng bị tổn thương vì dễ làm tổn thương rách – dập – đứt phần
mềm tăng lên, chảy máu nhiều hơn, sưng nề nhiều hơn, hiện tượng viêm
tăng lên làm mô bị tổn thương lâu lành hoặc lành với sẹo xấu. Đặc biệt
đối với dây chằng, việc xoa bóp với các loại dầu nóng có thể kích thích
hình thành các mô sợi xơ (Fibro) thế cho các sợi đàn hồi (collagen) dẫn
đến giảm tính đàn hồi và chắc của dây chằng. Sau khi lành, dây chằng trở
nên yếu, xơ cứng và dễ bị tổn thương lại.
Có thể dùng thuốc giảm đau hoặc kháng viêm để trợ giúp giảm đau, sưng:
Panadol, Alaxan, Tilcotil, Vioxx… (cần có sự hướng dẫn của bác sĩ)
Thông thường các triệu chứng sẽ giảm sau 24 – 72 giờ
Nếu sau 24 – 72 giờ tổn thương không giảm nhiều, hoặc tổn thương ban đầu trầm trọng cần thiết phải gặp Bác sĩ Y Học Thể Thao.
ĐỐI VỚI CÁC CHẤN THƯƠNG PHẦN MỀM MÃN TÍNH:
Thường đau dai dẳng, khó điều trị. Bạn cần khám bác sĩ chuyên khoa để
được chẩn đoán và điều trị thích hợp mới mong phục hồi tốt.
ĐỂ PHÒNG NGỪA CHẤN THƯƠNG TRONG QUẦN VỢT BẠN CẦN CHÚ Ý CÁC VẤN ĐỀ SAU:
1. Làm nóng
–khởi động kỹ đúng mức, đặc biệt với các VĐV chuyên nghiệp (thường
không nên khởi động dưới 15 phút). Chúng tôi sẽ giới thiệu bài – ảnh
chuyên về các động tác khởi động – làm nóng – căng cơ trong tennis ở kỳ
sau
2. Chọn dụng cụ cho phù hợp:
Giày – vợt: nên tham khảo HLV hoặc người có kinh nghiệm
Mặt sân
3. Chẩn bị
tình trạng thể lực tốt trước khi tập luyện. Chú ý không được dùng rượu
bia – chất kích thích hoặc cơ thể đang bệnh rất dễ bị chấn thương.
Đối với VĐV chuyên nghiệp nên có bài tập tăng cường sức mạnh cơ vùng vai – khuỷu – cổ tay (với tạ tay, dây kéo…)
4. Sửa chữa các sai sót kỹ thuật: cú giao bóng – cú đập – cú đánh trái tay để tránh bị chấn thương khuỷu, vai.
5. Không
nên thi đấu quá ráng sức, nhất là trong thời tiết quá nóng hay quá lạnh
rất dễ bị chấn thương. Việc uống nước trong khi tập luyện kéo dài cũng
rất quan trọng, cần uống đúng cách khoảng 150 – 200ml nước 50C /30 phút.
Không nên uống quá nhiều dễ bị mệt hoặc uống quá ít dễ bị vọp bẻ.
KẾT LUẬN:
Chấn thương trong quần vợt thường không quá nặng nhưng dễ kéo dài dai dẳng làm hạn chế thành tích của VĐV – người luyện tập
Cần điều trị theo quan điểm tích cực “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”
Sự dẻo dai và sức mạnh là chìa khóa ngăn cản chấn thương
Nếu chấn thương kéo dài trên 1 tuần bạn cần bác sĩ chuyên khoa khám và điều trị
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét