23 tháng 3, 2013

Kỹ thuật cầm vợt tennis


Bạn tennis thân mến!

Trong chuyên mục: "Kỹ thật tennis" lần này, chúng tôi muốn giới thiệu đến các bạn "Kỹ thuật cầm vợt". Đây là bài viết được trích dịch và tham khảo từ tiểu luận "Griffhaltungen" của VT.
*

Có thể, bạn đang phân vân, nên cầm vợt như thế nào. Có quá nhiều kiểu cầm vợt, quá nhiều cách diễn đạt mà đối với những người chơi tennis trong mọi lứa tuổi là một điều huyễn hoặc. Và những người tham gia trò chơi này sẽ mau thấy quá tải và từ đó đâm ra lơ là chuyện cầm vợt theo đúng kỹ thuật. Không hề có một kiểu cầm vợt hoàn hảo. Tất cả các kiểu cầm vợt đều có ưu điểm và khuyết điểm của nó. Một vài cách cầm vợt sẽ thích hợp với cú đánh này hơn cú đánh khác, thích hợp với người này hơn người khác. Để có một cú đánh "hết chỗ chê", "trơn tru trôi chảy" và thêm phần xoáy - bổng, bạn phải phân tích kỹ thuật đánh cũng như kiểu cầm vợt thích hợp.

Nhằm cắt nghĩa kiểu cầm vợt chính xác, người ta dựa vào cán vợt hình bát giác. Tám cạnh vợt có số thứ tự 1-8 sẽ định hướng tay cầm vợt.

Tám cạnh trên cán vợt Wilson

Điểm chuẩn trên tay cầm vợt được các trường tennis đưa vào giáo trình:
  • Điểm chuẩn 1 (Kleinfingerballen): nằm trên gò Thái Âm của bàn tay, ở mỗi kiểu cầm vợt nó có vị trí chuẩn định trên một cạnh vợt.
  • Điểm chuẩn 2 (Zeigefingerknöchel): nằm trên gò Mộc Tinh của bàn tay, được gọi là điểm chuẩn trên đốt xương ngón trỏ.

Điểm chuẩn trên lòng bàn tay tương ứng với vị trí trên cạnh vợt

Hai điểm chuẩn này, thực ra, ở mỗi tư thế cầm vợt, chúng đều cùng nằm trên một cạnh vợt. Ở đây, chúng tôi chọn điểm chuẩn trên đốt xương ngón trỏ làm điểm định hướng, bởi vì nó sẽ dễ dàng hơn cho người chơi  khi muốn tự xác định vị trí điểm chuẩn trong cách cầm vợt của mình, ở vị thế từ trên nhìn xuống.




Tự xác định vị trí điểm chuẩn trong cách cầm vợt

Khi đổi từ kiểu cầm vợt này sang kiểu cầm vợt khác, bạn hãy di chuyển vị trí đốt xương ngón trỏ sang vị trí cạnh vợt thích hợp. Sau một thời gian luyện tập, hành động chuyển tay cầm này sẽ xảy ra tự động và trôi chảy trong mỗi cú đánh. Ở đây, chúng tôi sẽ giới thiệu với bạn 6 kiểu cầm vợt căn bản tương ứng với những tình huống xử lý banh.

1. Kiểu Continental

Tiếng Đức còn gọi là Hammergriff, nghĩa là "cầm búa". Nó được hiểu đơn giản theo nghĩa, bạn cầm búa thế nào thì cầm vợt thế ấy. Ở kiểu này, điểm chuẩn nằm trên cạnh thứ hai của cán vợt. Nó được áp dụng cho nhiều kiểu đánh:
  • Giao banh
  • Đập banh
  • Bắt volley
  • Cắt banh dài
  • Bỏ nhỏ
  • Đánh trái
Nó đặc biệt hữu dụng trong cú giao banh, đem lại một độ cuốn cần thiết mà những kiểu cầm vợt khác không sao triển khai được. Kiểu "cầm búa" còn được sử dụng cho cú volley. Bạn có thể chơi cho cả volley thuận (Vorhand-Volley) lẫn volley nghịch (Rückhand-Volley) mà không cần đổi tay cầm. Một ưu thế không tưởng cho những đường banh nhanh. Đáng tiếc là, kiểu "cầm búa" mang khiếm khuyết trong các tất cả các cú đánh thuận (Vorhand), đặc biệt là cú thuận topspin.

Djokovic, Volley với Continental

2. Kiểu Eastern (Tay thuận)

Từ kiểu "cầm búa", bạn xoay tay theo chiều kim đồng hồ, thêm một cạnh. Điểm chuẩn bây giờ nằm trên cạnh số 3 của cán vợt.

Kiểu Eastern được áp dụng cho những trường hợp:
  • Topspin-tay thuận
  • Topspin-tay thuận-lob
  • Topspin-Tay thuận-volley
  • Tay thuận-volley quạt
Đây là kiểu cầm vợt tự nhiên của đa phần dân chơi tennis nghiệp dư, cho tất cả các cú đánh, mà hậu quả là những cú đánh nghịch tay (Rückhand) không thể nào phát huy được tác dụng. Bởi Eastern là kiểu cầm vợt sở trường của cú tay thuận. Nó được ưa chuộng trong giới tennis nghiệp dư vì nó đơn giản. Người ta cầm cây vợt nằm dưới đất lên ra sao, thì đánh luôn như vậy. Hay nói cách khác, kiểu tay cầm này cũng giống như bạn đưa tay ra để bắt tay ai.


Eastern, mặt vợt song song với mặt đất
Với các cầu thủ chuyên nghiệp, Eastern thường được sử dụng kiểu cho những cú thuận tay, ở tầm banh thấp. Nhờ có góc cầm nghiêng mà mặt vợt khép hơn kiểu Cầm búa, nguy cơ banh ra ngoài sẽ giảm đi. Kiểu Eastern cũng được sử dụng tối ưu ở vị trí chạm banh cao ngang eo. Đánh banh nhanh là đòi hỏi căn bản cho kiểu cầm vợt này, bởi vì, nó sẽ không làm chủ được những trái banh tầm cao hơn.

Một vài tay chơi hàng đầu sử dụng kiểu Eastern cho cú volley thuận tay. Kiểu cầm này cho phép họ chụp banh sớm hơn và gây sức ép hiệu quả hơn.

Eastern khiếm khuyết trong tất cả các cú đánh tay nghịch (Rückhand), giao banh và đập banh.

Djokovic trong pha cứu banh cực thấp bằng tay cầm Eastern

3. Kiểu Semi-Western

Bạn cầm cây vợt từ mặt đất lên, xoay tay theo chiều kim đồng hồ xuống một cạnh vợt. Điểm chuẩn kiểu Semi-Western nằm ở cạnh vợt số 4.

Sử dụng cho các cú đánh:
  • Topspin-tay thuận
  • Topspin-tay thuận-lob
  • Tay thuận-volley quạt
Kiểu cầm vợt này có khả năng tạo cú topspin-tay thuận đầy hiệu lực ở mỗi độ cao, mỗi loại sân. Tuy nhiên, nó thích hợp nhất với độ cao banh giữa eo và vai. Semi-Western thường được các cây vợt thiếu nhi - có chiều cao hạn chế - sử dụng để giải quyết những trái banh ngang vai, hay quá đầu.

Semi-Western đẩy mạnh độ cuốn banh, nhờ đó banh vào sân an toàn hơn. Cùng lúc, Semi-Western còn cho phép những cú đánh xà (phẳng). Tính đa dạng này làm Semi-Western trở thành kiểu cầm vợt được yêu thích của các tay quần vợt chuyên nghiệp. Tuy nhiên, nó mang khiếm khuyết trong tất cả các cú đánh nghịch, giao banh và đập banh.

http://static.guim.co.uk/sys-images/Sport/Pix/pictures/2012/9/9/1347218880268/Serbias-Novak-Djokovic-pl-008.jpg
Djokovic và Semi-Western, độ cao banh ngang vai

4. Kiểu Full-Western

Điểm chuẩn kiểu Full-Western nằm ở cạnh vợt bên dưới, số 5

Áp dụng cho những cú đánh:
  • Đập banh
  • Topspin-tay thuận
  • Topspin-tay thuận-lob
  • Tay thuận-volley quạt
Full-Western là một lối cầm vợt cực đỉnh cho tay thuận. Ở đó, bàn tay nắm vào mặt bên dưới cùng của cán vợt. Kiểu cầm này có thể xử lý dễ dàng các trái banh tầm cao. Những điểm chạm banh ở độ cao ngang vai hay cao hơn vai đều nằm trong tầm kiểm soát. Full-Western tạo độ cuốn tối ưu nên cần phải vung tay hết mức. Để thích hợp với kiểu cầm vợt này, người chơi cần có một kỹ thuật đánh hoàn hảo và một thể lực sung mãn. Đây là kiểu cầm vợt yêu thích của những tay vợt nhà nghề mang lối đánh cơ bắp, như Amelie Mauresmo, Rafael Nadal.

Vì tính chất chỉ đặc biệt thích hợp với kỹ thuật topspin và banh tầm cao, Full-Western hoàn toàn không có lợi thế đối với loại banh thấp, hay cực thấp. Mặc khác, nó còn mang khiếm khuyết trong những cú đánh nghịch và giao banh.

Djokovic và Full-Western ở độ cao banh trên vai

5. Kiểu Một tay-nghịch-topspin

Điểm chuẩn nằm trên cạnh vợt số 8, hay 7, tùy độ cuốn banh.

Được áp dụng cho:
  • Một tay-nghịch-topspin
  • Một tay-nghịch-volley quạt
  • Tay nghịch-topspin-lob 
  • Slice
  • Giao banh 
Tay cầm này cho phép cú đánh một điểm chạm banh ở gần cơ thể, nhưng không thích hợp với loại banh topspin cao ngang vai. Sẽ rất khó khăn khi dùng tay cầm vợt này kiểm soát đường banh cao đồng thời đánh mạnh trở lại. Trong tình huống này, người ta bị ép phải dùng cú slice (cắt banh dài). Có nghĩa là, nếu bạn sử dụng một tay cho cú đánh nghịch, thì bạn chỉ có thể đánh banh vuốt (topspin) ở tầm banh thấp. Ở tầm banh cao, bạn nên đưa tay vợt lên để cắt bóng dài.

Kiểu cầm vợt này không thích hợp với mọi cú tay thuận.

Federer trong pha giao banh, điểm chuẩn trên cạnh vợt số 8

Ở vị trí banh tương đối thấp, anh sử dụng cú topspin một tay

http://images.canberratimes.com.au/2013/01/24/3978558/art-FedererLW-620x349.jpg
Ở vị trí banh cao ngang vai, là cú slice

6. Kiểu Hai tay-nghịch-topspin

Điểm chuẩn tay đánh (phải) nằm trên cạnh vợt số 7,8 - như cách đánh một tay. Tay còn lại (trái) nắm lấy phần trên cán ở vị trí Eastern.

Được sử dụng cho:
  • Một tay-nghịch-topspin
  • Một tay-nghịch-volley quạt
  • Tay nghịch-topspin-lob
Kiểu cầm này giúp bạn có cú đánh mãnh liệt. Ưu điểm của nó là, dễ dàng xoay trở với những trái banh cao. Cú đánh sẽ được giấu kín (với hai tay cầm vợt, đối thủ của bạn sẽ không sớm phát hiện ra được, bạn xử lý banh bằng kỹ thuật topspin hay kỹ thuật slice). Cú trả banh (đặc biệt banh nhanh) sẽ dễ điều khiển hơn.

Khiếm khuyết với tất cả cú tay thuận và cú quật banh trên không.

http://www.1920x1200.net/posts/wp-content/uploads/2010/06/maria_sharapova_jun202010.jpg
Kiều nữ Sharapova

LTH

Không có nhận xét nào: