17 tháng 5, 2015

Thơ Hoàng Hưng



Thơ của Hưng làm tôi nhớ đến những tiểu thuyết hư cấu mang tính hiện sinh. Chúng xảy ra trong một thời gian rất rõ nhưng cũng có một tính cách phi thời gian. Nhiều năm tháng được nén lại trong một bài thơ trữ tình ngắn nói về mất mát và đau khổ. Con người đau khổ có thân xác và kinh nghiệm cụ thể, nhưng theo một nghĩa khác, cũng là một gương mặt tiêu biểu. Tôi nghĩ đến cuốn tiểu thuyết Người đàn bà trong cồn cát của tác giả Nhật Bản Kobo Abe. Một ngày nọ có một người đàn ông trượt chân thụt xuống một vực cát trong khi đang bước đi giữa sương mù ở một nơi xa xôi. Thế rồi ông ta trở thành chồng của một trong số nhiều người đàn bà của cồn cát mà nghề nghiệp là xúc cát suốt đời. Thực vậy, ông ta đã tìm ra số phận của chính mình, không lay chuyển được, không thể nào thoát khỏi (và cuối cùng thì có lẽ ông không muốn thoát khỏi)…
Tôi không biết có bài thơ nào khác để so sánh với thơ Hưng. Bên dưới cái bề mặt bình thản, kể chuyện, thơ Hưng rất phức tạp và xúc động. Có lẽ trong đời thực, Hưng đã cảm thấy bị lưu đày giữa ngay xứ sở của mình và bị dời khỏi những hoàn cảnh sống và làm việc của chính mình.
(Trích thư của Paul Hoover, nhà thơ Mỹ, Chủ biên Tạp chí New American Writing, gửi Tom Nawrocki, GS Khoa Ngữ văn Trường Columbia College Chicago, tháng 1.2003)




Vào


Cánh cửa sắt đen kịt
Đóng sầm sau lưng tôi
Bỗng ào ào náo loạn
Như một bể dầu sôi.
Những cái đầu trọc lốc
Vươn theo từng bước đi
Những bộ xương đen đúa
Bốc lên mùi tử thi.
A! Địa ngục là đây
Ta bắt đầu kiếp quỉ
Sao dễ dàng quá nhỉ
Chỉ một bước một giây
Bước qua cánh cửa này
Kiếp người đã xa lắc.

Giật mình nghe tiếng quát:

- Cởi hết áo quần ra!

17/8/1982 

       *


Những đôi mắt âm thầm
Rõi qua khe cửa
Bao giờ rụng chiếc lá bàng cuối cùng?

Sẽ rụng đêm nay
Khi gió bấc nổi
Không. Nó sẽ còn đeo đẳng mãi trên cây
Dai như kiếp sống đoạ đầy

Trong giấc ngủ màu máu
Chiếc lá bàng mênh mông
Thức dậy không còn lá
Bầu trời tím thâm

Bỗng rùng mình kiệt quệ
Như vừa ra đi giọt máu cuối cùng 

       *

Người về


Người về từ cõi ấy
Vợ khóc một đêm con lạ một ngày

Người về từ cõi ấy
Bước vào cửa người quen tái mặt

Người về từ cõi ấy
Giữa phố đông nhồn nhột sau gáy

Một năm sau còn nghẹn giữa cuộc vui
Hai năm còn mộng toát mồ hôi
Ba năm còn nhớ một con thạch thùng
Mười năm còn quen ngồi một mình trong tối

Một hôm có kẻ nhìn trân trối
Một đêm có tiếng bâng quơ hỏi

Giật mình  
              một cái vỗ vai

       * 

Tất cả nước mắt loài người bao vây nhà ta
Nằm bên anh em kể câu chuyện buồn
Chôn sâu trong lòng giờ mới nói ra
Gợi ý của trận mưa chưa từng thấy

Đã một nghìn đêm mưa trắng đêm
Điên cuồng nhớ mùi anh như con bò cái nhớ mùi phân rác
Anh đánh mất mùi anh trên những sàn đá lạ
Chỉ còn mưa mùi nước mắt đêm

Em còn yêu anh không yêu đến đâu giận ghét đến đâu
Mười lăm năm lòng mình chưa hiểu hết

Mưa mưa ngập tầng trệt
Đưa nhau lên gác xép nằm nghe mưa sập mái tôn

Ước nằm nghe mưa rồi chết

Đêm 25/6/1992

(http://www.talachu.org/tho.php?bai=3)
VTB trân trọng cảm ơn nhà thơ Hoàng Hưng.

12 tháng 5, 2015

Đội tuyển nữ Berlin trong trận gặp đội nữ Dresden


Màu áo hồng rực rỡ, cùng hai tay vợt nữ chuyên nghiệp người Tiệp (bên trái) và người Serbia (bên phải)
Căng thẳng bước vào trận đấu đơn

Cùng huấn luyện viên sắp xếp đội hình đôi



Niềm vui thắng trận

7 tháng 5, 2015

Giới thiệu tác giả Nguyễn Trọng Bình và những bài viết về Nguyễn Ngọc Tư


Là người miền Bắc, lại sống xa quê lâu năm, có thể bạn chưa bao giờ cảm được giọng văn đậm đặc chất Nam Bộ của Nguyễn Ngọc Tư. Có thể vừa đọc nó, bạn đã thấy dị ứng vì một lối hành văn xa lạ, thấy buồn tẻ với những ngôn từ nhàn nhạt sông nước.
Chúng tôi giới thiệu với các bạn, loạt bài nghiên cứu và phê bình trứ danh của tác giả Nguyễn trọng Bình, về Nguyễn Ngọc Tư, được đăng trên trang Viet-Studies. Hy vọng, bạn sẽ bỏ qua những thành kiến vùng miền, những thói quen ngôn ngữ, để tiếp cận giá trị nhân bản đích thực của tác phẩm.
(VTB xin cảm ơn anh Nguyễn Trọng Bình)



Phong cách truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư
nhìn từ phương diện nội dung tự sự

Nguyễn Trọng Bình 


Theo Từ điển thuật ngữ văn học (do lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi chủ biên) thì:“Nội dung tác phẩm là hiện thực cuộc sống được phản ánh trong sự cảm nhận, suy ngẫm và đánh giá của nhà văn. Đó là một hệ thống gồm nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan xuyên thấm vào nhau [1]. Giáo sư Lê Ngọc Trà trong Lý luận và văn học cũng cho rằng: “Văn học không phải không phản ánh, mô tả hiện thực, nhưng đừng nên xem đây là nhiệm vụ hàng đầu và bao trùm của nó. Nội dung của tác phẩm văn học vì vậy cũng chứa đựng trước hết không phải hiện thực được phản ánh, mà là tư tưởng, tình cảm của nhà văn” [8]. Đồng tình với những quan điểm trên, trong quá trình đi vào tìm hiểu phong cách trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư ở bình diện nội dung tự sự, chúng tôi nhận thấy nổi bật và thường lặp đi lặp lại trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư những vấn đề sau:

I 
Truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư – “cái nhìn khắc khoải” về thân phận người dân quê


Có thể nói, truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư “đập” vào mắt người đọc trước hết là những câu chuyện rất đỗi “đời thường” về những người dân thôn quê lam lũ, nghèo khổ vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đây cũng chính là một trong những “không gian”, “vùng thẩm mỹ” riêng của Nguyễn Ngọc Tư. Tuy nhiên, như chúng tôi đã trình bày, nội dung tác phẩm văn học “không phải là ghi chép, mô tả hiện thực mà là hành động tự nhận thức của nhà văn, nhờ đó tác phẩm nghệ thuật trở thành mảnh đất nuôi dưỡng tình cảm con người, thành khu vườn nơi tâm hồn con người đến đơm hoa kết trái…” [8]. Vì thế, theo chúng tôi, nội dung truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư quan trọng hơn cả chính là tấm lòng và thái độ trân trọng, yêu thương, cảm thông đối với những người dân thôn quê đúng như những gì chị đã từng nói: “Tôi thường thấy quanh mình những đứa trẻ khát khao tình thương, những phụ nữ khát khao cuộc sống yên bình, được che chở. Nếu chú ý một chút, người ta sẽ nhận ra ai cũng có nhu cầu được ấm áp thương yêu, ngay cả những kẻ mạnh mẽ tàn nhẫn nhất cũng mong muốn có một ngày được hoàn lương”[9].
Hay như có lần chị tâm sự, chị viết văn “vì thương quê, thương cái nghèo khó, cái mộc mạc, chân sơ của nơi mình sinh ra, lớn lên, nơi mình hứng ngụm nước mưa trong lành ở cái lu đầu ngõ, nơi mình hâm nồi cơm nguội buổi chiều, nướng con khô cá lóc, nhấp chén rượu cay mà thương quê đến nao lòng” [9]
Tuy vậy, chúng ta đang đi tìm phong cách của Nguyễn Ngọc Tư, vậy thì đâu là cái riêng, cái độc đáo của chị so với những nhà văn khác? (khi cũng đề cập đến vấn đề cái nghèo, cái khổ của những người dân quê) 

3 tháng 5, 2015

Lang thang trong những rừng ma - Nguyễn Hàng Tình


VTB giới thiệu thêm một tuyệt tác của Nguyễn Hàng Tình và chỉ có Nguyễn Hàng Tình mới viết được những bài ký sự như thế này.

***

Huyễn hoặc, bí ẩn, huyền thoại… là những từ dùng thiên hạ hay để chỉ về những vùng đất Tây nguyên. Trong mỗi người, sự kì diệu của Tây nguyên tạt đến hay dội về mỗi khác.  Không rõ bởi  một nỗi ám ảnh vô hình hay sự cuốn hút từ tiền kiếp mà với tôi hễ nhắc đến vùng đất trên là nghĩ ngay đến những cánh Rừng Ma, cái  cõi khác thế giới con người, không thuộc về người, dù ở trên mặt đất này,  với  tộc người  K’ho gọi nó là Bộch Cặ, người Mạ gọi Brê Bộch… Không ai  làm thân  với nó thì tôi vậy_  tôi tự nhủ với mình nó cũng thuộc về mặt đất thân thương này…

Tây nguyên đang giữa mùa mưa, càng làm cho đường vào vùng sinh sống của người K’ho, Mạ thêm lầy lội, cách trở; và đối với những cánh rừng ma càng lẻ loi, hoang vắng đến rợn người. Thiên hạ phần đông không để ý và không thể yêu nó cũng là lẽ thường, dễ hiểu thôi, vì những chốn thế này vì ở đó nằm trong sự hoang lạnh tận cùng, có thời điểm chỉ toàn cho cảm giác về mùi của chết chóc, hôi thối, tởm lợm … Người ta bảo hàng vạn buôn làng ở nam Tây nguyên là hàng vạn rừng ma; và để lội hết những cánh rừng ma nói trên có lẽ phải mất đến 5 năm. Đơn giản  bởi bao giờ nó cũng nằm ở giữa rừng già, dưới thung lũng xa, địa bàn hẻo lánh nhất. Tôi khuyên mình cứ lội tới đâu thì tới, bao giờ thấy sợ thì ra, miễn sao đừng để thành “ công dân” của rừng ma là được...

VÀO… RỪNG MA

Những nghĩa địa Trả người về với rừng - ảnh  Nguyễn Hàng Tình

1 tháng 5, 2015

Lịch sử cách tính điểm trong môn quần vợt


Người chơi quần vợt đều biết, bộ môn này có một lối tính điểm khá phức tạp. Trong mỗi bàn chơi (game), điểm được tính: không (0), mười lăm (15), ba mươi (30), bốn mươi (40) và thắng game. Nhưng ít ai biết, từ đâu có những con số oái oăm này. Người sành điệu nhất cũng chỉ có thể giải thích qua loa rằng, đây là kiểu đếm của Mỹ (cái gì kỳ dị thì nhất định là của bọn đế quốc). Thực ra, môn quần vợt có lịch sử hình thành và phát triển ở Pháp từ thời Trung cổ, với cái tên sơ khai là Jeu de Paume - một cách đánh vào tường như bộ môn squash ngày nay. Sau này, Jeu de Paume được đưa vào chơi trong các sân tu viện, rồi đến nhà thi đấu có lưới.