Được sự đồng ý của nhà báo Nguyễn Hàng Tình - chúng tôi sẽ lần lượt đăng lại những ký sự đặc sắc của tác giả về Tây Nguyên và mở riêng "Chuyên mục Nguyễn Hàng Tình".
Trân trọng
BBT
* * *
*
Nước
mắt lâm tặc
- Nếu hỏi cánh kiểm lâm Lâm Đồng
rằng lâm tặc ở đâu ngang ngược, “gấu” nhất họ
sẽ trả lời ngay là ở vùng Quảng Sơn_ Ninh Thuận, nghĩa
là người ở dải đồng bằng nằm dưới đèo Krông
K’Pa, xứ sở mà quay đủ 180o ta chẳng thể trông
thấy rừng đâu cả. Cho đến một ngày tôi quyết định
lọt vào trong những cái làng “ăn rừng”
khét tiếng chuyên nghiệp suốt mấy chục năm qua này…
Sự xuất hiện của tôi trong
tích tắc cả làng Triệu Phong đến Thạch Hà, Hạnh
Trí_xã Quảng Sơn, Ninh Sơn, Ninh Thuận_ đều hay tỏ. Có
lẽ họ đã liên tục rỉ tai, và chạy đi báo cho nhau
biết. Một không khí cảnh giác với người lạ, chừng
thường trực suy nghĩ rằng ai cũng có thể là công
an, kiểm lâm… ( trong lực lượng liên ngành chống vi
phạm lâm luật của chính quyền huyện) giả dạng để
…đoạt lấy gỗ, truy quét nghề “ăn gỗ rừng” phi
pháp của họ.
PHÁ RỪNG “ CHUYÊN NGHIỆP”
Tuy thế, nhưng rảo qua các làng,
nhìn đâu cũng thấy gỗ, từ gỗ khúc đến gỗ xẻ;
chúng được bày lăn lóc, tứ tung trước, sau và hai
bên hông nhà mà không một chút mảy may sợ sệt; tất cả
công khai như thể đây là một thế giới riêng, bất trị,
mà luật pháp bảo vệ rừng mất tác dụng. Cảnh người
ta để gỗ nguyên trên những chiếc cộ bò_ loại xe sử
dụng bò để kéo_bày bán. Đó đây thêm những chiếc cộ
đầy ắp gỗ tươi rói vừa đưa từ rừng về cũng ngang
tàng chễm chệ trước các sân nhà. Trong khi đó, những
người khác đủng đỉnh chở gỗ trên những chiếc
cộ bò đi bán cho những xưởng cưa, hay đầu nậu gỗ
trong làng. Không phải tất tần tật người dân đều
“nhảy rừng”, nhưng hoạt động về gỗ lậu trở
thành thứ sinh hoạt thường nhật sôi động, phổ biến
nhất ở cái làng này. Họ rao giá gỗ tạp ngày
hôm nay là 1,2 –1,4 triệu đồng, gỗ căm-xe 4,5 triệu
đồng, dổi, bằng lăng, hay cẩm lai là cứ thêm 2-5
triệu đồng/ m3. Làm sao không ngạc nhiên khi một
vùng đất không có lấy một chỏm rừng, rừng lại ở
cách đến 32 km( nhưng thuộc… huyện Đơn Dương,
tỉnh…miền cao nguyên Lâm Đồng), phá rừng nổi tiếng,
“chuyên nghiệp” với nghề khai thác, cưa xẻ, bán buôn
gỗ lậu suốt hơn 20 năm nay mà chính quyền sở tại vẫn
cho phép hệ thống xưởng cưa, xưởng mộc, chế biến
gỗ... hình thành, trong khi điều đó ngay cả các tỉnh
trên Tây Nguyên_ nơi rừng vẫn còn_ cũng không dám. Rồi
cảnh nhỡn tiền khi đêm về, dễ thấy những tay
đầu nậu buôn bán gỗ thoả mái “rước” gỗ từ
những chiếc cộ bò ở các nẻo đường rừng đổ ra,
cảnh đưa gỗ vừa xẻ lên những chiếc xe khách, xe
tải để đánh đi Phan Rang, Nha Trang, và ngược vào Sài
Gòn… Hoá ra ở Lâm Đồng, lâu nay giới thầu cất nhà,
thợ mộc…kháo nhau “ nếu muốn mua gỗ thì về Ninh
Thuận!” là thế.
La cà quán xá ở Quảng Sơn người
dân mách với tôi rằng, muốn biết nguồn gỗ trong
làng có dồi dào hay không, cũng như dinh dưỡng trong bữa
ăn của người dân độ này có đang “khá” không, chỉ
cần nhìn vào sức mua hàng hoá ở cái chợ xã nằm
trước đường quốc lộ 27 là biết_ gỗ là một thứ
“hàn thử biểu” đời sống dân sinh vùng này. Và người
ta cũng mách rằng, cộ bò đi gỗ vào rừng ngày hôm sau
có đông hay không phản chiếu qua sự tấp nập của cái
chợ cỏ ngày nào cũng họp ( gần như duy nhất ở Nam
Trung Bộ) nằm không xa làng vào ngày hôm trước, với cỏ
do những nông dân nghèo từ các vùng khác cắt đem
về đây bán. Cỏ tươi ngon là một thứ “nhu yếu phẩm”
quan trọng cho việc đi ăn gỗ ở rừng, và thường chỉ
có bò đi rừng ( tức bò làm ra tiền nhanh) mới được
ăn cỏ mua, bồi dưỡng chu đáo.
Ba ngày “cày” tới cày lui vùng
Quảng Sơn đủ để tôi hiểu được “qui trình” tấn
công rừng cao nguyên ở đây như sau: người ta đánh cộ
bò băng qua những cánh đồng Ninh Sơn, nhắm thẳng lên
dãy núi rừng ở hướng Đông Nam từ mờ sáng hôm
trước, và đưa gỗ về vào đêm khuya, hoặc rạng
sáng của hai ngày sau đó. Những người đi gỗ quí ( như
cẩm lai, trắc, kiền kiền, căm xe…) thì phóng xe máy vào
rừng, rồi dấu xe kín, sau đó một tuần sau quay về làng
đánh cộ bò vào chở gỗ cưa hạ được. Trước đây
mạnh cá nhân nào nấy “ăn” rừng, nay người ta “liên
minh” lại, đi một lúc 15- 50 cộ bò, với lực lượng
30 – 100 người cùng 15 – 50 con bò vạm vỡ nặng cả
nửa tấn. Phương cách này giúp dễ dàng bày binh bố
trận theo hướng áp đảo, “ đủ sức” chống
chọi, đối phó với lực lượng bảo vệ rừng ( và lâm
luật) vốn lèo tèo và ngày càng quan liêu, nhát gan, sợ
chết, nếu lỡ giáp mặt nhau. _Ý chí quẫy đạp mưu sinh
của con người thật khủng khiếp! Những lâm tặc ngang
tàng, khinh đời nói toạc ra với tôi là trước đây họ
lầm lũi xẻ gỗ, chở gỗ…, còn nay mọi sự đều có
đội quân do thám “trận địa”( như không có kiểm
lâm, công an, quân đội…) trước, rồi mới rời rừng.
Chưa hết, dân đi “ăn gỗ” đều sắm điện thoại
di động, để hễ thấy dấu hiệu bất ổn là tìm đồi
núi cao nhảy lên ( chỗ có sóng) để loan báo cho nhau dấu
gỗ, tẩu tán bò, trốn người… Cứ thế, suốt hơn hai
mươi năm chăm chỉa vào vùng rừng chuyển tiếp giữa cao
nguyên với miền duyên hải thuộc huyện Đơn Dương, tỉnh
Lâm Đồng khiến muốn gỗ to ngày càng phải đi xa hơn,
rừng mỏng ra, teo lại, nên họ phải mò lên đến tận
lâm phận cheo leo ở Ka Đơn, Pró, dãy núi 1600 ( có lẽ
đỉnh núi này có độ cao 1.600 m so với mặt biển). Họ
nói, dù rừng đã lùi xa dần, nhưng giờ hễ xuất cộ bò
khỏi làng là bằng mọi giá phải có gỗ mang về. Kẻ
chuyên đi săn gỗ quí thì cứ 1-2 tuần kiếm được 4-7
triệu đồng, còn ai nhỏ gan, chỉ đủ lực để ăn
non thì cứ hai ngày một cộ gỗ trên xe đánh về cũng
kiếm được triệu bạc…
|
...Khi lâm tặc... bị bắt. Ảnh
Nguyễn Hàng Tình |